Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Lê Văn Thiêm - Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam

Lê Văn Thiêm là tiến sĩ toán học đầu tiên của nước ta, ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam và Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học.

Công trình toán học đạt trình độ quốc tế

Từ đời nhà Lê, Lương Thế Vinh đã viết Đại thành toán pháp, Vũ Hữu viết Lập thành toán pháp nhằm hệ thống hoá những thành tựu hình học và số học của phương Đông thời ấy. Tuy nhiên, suốt mấy trăm năm sau đó, do không được tiếp xúc với những thành tựu toán học tiên tiến của phương Tây, kiến thức toán học của các cụ đồ nho thật quá sơ sài!

Lê Văn Thiêm - Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam
GS Lê Văn Thiêm (giữa), GS Nguyễn Đình Trí (trái) và GS Lê Dũng Tráng.
Thời thuộc Pháp, một số người Việt Nam ưu tú như Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào... đã sang Pháp học toán cao cấp, rồi trở về nước dạy toán ở bậc trung học và đại học.

Song phải đến Lê Văn Thiêm thì nước ta mới có nhà toán học thực thụ nghĩa là người có công trình nghiên cứu toán học đạt trình độ quốc tế. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ A ở Đức (1944), rồi luận án tiến sĩ quốc gia về toán ở Pháp (1948), và cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm giáo sư toán học và cơ học tại Đại học Zurich (Thuỵ Sĩ, 1949), một trường đại học lớn ở châu Âu, nơi thời trẻ Albert Einstein đã từng theo học.


GS Lê Văn Thiêm là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học. Năm 1970, khi mới thành lập, Viện chỉ có 1 giáo sư, 3 tiến sĩ, 12 cử nhân. Ngày nay, sau 40 năm phát triển, Viện đã có 83 nhà toán học trong đó có 17 giáo sư, 15 phó giáo sư. Các nhà toán học của Viện đã công bố khoảng 2.000 công trình, một số khá lớn trên các tạp chí toán học quốc tế hàng đầu; biên soạn nhiều sách chuyên khảo, trong đó có hàng chục cuốn được in tại các nhà xuất bản khoa học nổi tiếng như Springer-Verlag, World Scientific, Kluwer Academic Publishers, Pitman...

Những thành tựu ấy gắn liền với tên tuổi những người mở đường như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ và những nhà toán học tài năng lớp sau như: Ngô Việt Trung, Hà Huy Khoái, Phạm Hữu Sách, Trần Đức Vân, Nguyễn Khoa Sơn, Lê Tuấn Hoa, Nguyễn Đình Công, Đinh Thế Lục, Nguyễn Tự Cường, Hoàng Xuân Phú, Hà Huy Bảng, Lê Dũng Mưu, Đỗ Ngọc Diệp, Vũ Ngọc Phát, Ngô Đắc Tân, Đinh Nho Hào, Nguyễn Đông Yên, Nguyễn Việt Dũng...

Lời “tiên tri” của người thầy giáo Pháp

Lê Văn Thiêm sinh ngày 29/3/1918 tại Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trung Lễ là một làng nghèo hiếu học. Dòng họ Lê ở Trung Lễ là một gia tộc danh tiếng, có nhiều người đỗ giải nguyên như Lê Văn Tự, Lê Văn Huân, Lê Thước... Đặc biệt, ông Lê Văn Kỷ, anh cả của Lê Văn Thiêm, là một người kỳ lạ hiếm có. Ông đỗ tiến sĩ nho học năm 1919, nhưng rồi chuyển sang học tiếng Pháp, thi rất nhanh qua nhiều bậc học và cuối cùng tốt nghiệp Trường Y Hà Nội, vào làm việc tại Quy Nhơn.

Lê Văn Thiêm - Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam
GS Lê Văn Thiêm và Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam khoá 1. Hoàng Tuỵ (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, thứ 3), Nguyễn Thúc Hào (Phó Chủ tịch, thứ 4), Lê Văn Thiêm (Chủ tịch, thứ 5), Nguyễn Cảnh Toàn (Phó Chủ tịch, thứ 6), Nguyễn Đình Trí (Uỷ viên Thường vụ, thứ 7)... (Hàng đầu từ trái sang)
Mồ côi cha từ nhỏ, Lê Văn Thiêm được người anh cả nuôi cho ăn học tại Trường Quốc học Quy Nhơn. Hiệu trưởng trường này là ông Michel Casimir, tốt nghiệp cử nhân khoa học tại Paris. Ông rất mến phục tài học của cậu học trò nhỏ người An Nam dòng họ Lê, và thường nói trước mọi người bằng tiếng Pháp: “Il ira plus loin que moi!” (Cậu ta sẽ tiến xa hơn tôi!).

Lời “tiên tri” của thầy Michel quả là linh nghiệm. Năm 1937, Lê Văn Thiêm thi đỗ cao đẳng tiểu học (tương đương THCS hiện nay), và chỉ sau ba tháng nghỉ hè, với tư cách thí sinh tự do, ông thi đỗ tú tài phần 1 (thường là phải sau hai năm). Ông ra Hà Nội học tiếp để thi tú tài toàn phần. Do ở Đông Dương thời ấy chưa mở trường đại học khoa học, nên ông đành theo học lớp P.C.B. (Lý - Hoá - Sinh) để chuẩn bị thi vào Trường Y. Năm 1939, ông đỗ thứ nhì P.C.B., do đó, được cấp học bổng sang Pháp du học.


Năm 1941, Lê Văn Thiêm thi đỗ vào École normale supérieure (thường được dịch không chính xác là Đại học Sư phạm) ở phố Ulm, Paris. Đây là một “trường lớn”, tuyển sinh rất khó, học bổng rất cao, đã đào tạo nhiều nhà bác học lừng danh cho nước Pháp. Trong hai năm, ông thi đỗ 5 chứng chỉ (chỉ cần 3 chứng chỉ là xong chương trình cử nhân). Không ra trường dạy học, ông sang Thuỵ Sĩ, làm việc với Nevanlinna (một nhà toán học lớn của thế kỷ 20) về hàm phân hình.


Năm 1943, ông nhận được học bổng sang nghiên cứu toán ở Đức. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ A và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ B (tiến sĩ habil, tương đương tiến sĩ khoa học) thì vị giáo sư hướng dẫn qua đời. Ông liền trở về Pháp tiếp tục hướng nghiên cứu mà mình đã chọn, rồi bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia Về bài toán ngược phân phối giá trị các hàm phân hình vào năm 1948, khi mới 30 tuổi.


Nhiều năm sau, mùa thu năm 1981, ba nhà khoa học Việt Nam Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ và Nguyễn Văn Đạo sang thăm Mỹ. Một anh thanh niên Mỹ cố tìm gặp GS Thiêm để cảm ơn ông: Chính là nhờ bản luận án tiến sĩ A của ông công bố ở Đức năm 1943 mà giờ đây chàng trai này mới viết được luận án tiến sĩ...

Từ chối lời mời sang Mỹ, trở về nước tham gia kháng chiến

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia tại Paris, ông sang Thuỵ Sĩ giảng dạy tại Đại học Zurich, nơi Albert Einstein thời trẻ đã từng theo học. Có học vị cao, có điều kiện để phát huy tài năng ở phương Tây, thế nhưng người con dòng họ Lê yêu nước vẫn nhẹ nhàng từ bỏ tất cả để trở về Tổ quốc.

Cuối năm 1949, bằng số tiền dành dụm được sau mấy tháng dạy học, ông mua vé máy bay từ Paris đến Bangkok, sau khi từ chối một lời mời sang Mỹ làm việc với đồng lương hậu hĩnh. Từ Thái Lan, ông lội bộ xuyên rừng qua đất nước Campuchia đang bị quân Pháp chiếm đóng, đến bưng biền Nam Bộ. Tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Để chuẩn bị cán bộ cho nền đại học cách mạng ở nước ta, ngày 22/1/1950, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên gửi công văn cho Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong đó có đoạn viết:


“Chúng tôi nhận thấy nếu ông Lê Văn Thiêm ra bắc được thì sẽ giúp ích nhiều cho Bộ Giáo dục. Vậy chúng tôi trân trọng đề nghị Phó Thủ tướng quyết định điều động ông Lê Văn Thiêm ra bắc.”


Thế là, nhà toán học 32 tuổi cuốc bộ dọc theo chiều dài đất nước, nhiều đoạn phải vượt Trường Sơn cheo leo dễ bị địch phục kích hoặc bị hổ vồ, ra Tuyên Quang, kịp dự lễ khai giảng Trường Khoa học cơ bản của nước Việt Nam kháng chiến, giữa rừng xanh Chiêm Hoá.


Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm là hai nhà toán học thuộc thế hệ đầu tiên của nước ta. Lê Văn Thiêm kém Tạ Quang Bửu 8 tuổi. Cả hai ông đều là dân xứ Nghệ, tình tình giản dị, dễ gần. Năm 1939, khi anh sinh viên Lê Văn Thiêm mới đến Paris thì Tạ Quang Bửu đã trở về nước. Năm 1946, tham gia Phái đoàn Chính phủ ta sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Tạ Quang Bửu không quên ghé thăm Lê Văn Thiêm. Năm 1948, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc họp ở Việt Bắc, Tạ Quang Bửu đã giới thiệu vắn tắt về bản luận án tiến sĩ quốc gia mà Lê Văn Thiêm vừa bảo vệ ở Paris.


Năm 1951, từ bưng biền ra tới Việt Bắc, Lê Văn Thiêm tìm đến thăm Tạ Quang Bửu lúc bấy giờ đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.


Trong những năm 1951-1954, tại Khu Học xá trung ương ở ngoại thành Nam Ninh (Trung Quốc), GS Lê Văn Thiêm giữ chức Hiệu trưởng Trường Khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp.


Sau ngày Hà Nội giải phóng, ông làm Giám đốc Trường Đại học Khoa học, rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp.Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam.
Giáo sư Lê Văn Thiêm sinh ngày 25-3-1918 tại làng Lạc Thiện, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức.
Năm 1949, ông đã từ châu Âu về Việt Nam qua đường Thái Lan. Sau đó ông đi bộ từ Nam Bộ ra Việt Bắc, tham gia xây dựng trường đại học đầu tiên ở chiến khu. Cùng các trí thức khác như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa..., ông đã xây dựng nền móng cho khoa học Việt Nam.
Với sự trợ giúp của GS Hoàng Tụy, ông đã góp phần đưa nền toán học Việt Nam trong thời kỳ 1960-1980 lên một vị trí cao trong khu vực, được cả thế giới biết đến. Tới nay cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành một phần của lịch sử phát triển toán học Việt Nam hiện đại.
Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học, chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam và tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí toán học Việt nam là tạp chí “Acta Mathematica Vietnamica” và “Vietnam Journal of Mathematics”.
Ông cũng là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sư phạm Hà Nội (khi đó có tên là Đại học Sư phạm Khoa học) và Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (khi đó có tên là Đại học Khoa học Cơ bản).
MathVn.Com (Beenet)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến