Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Nền Toán học Việt Nam có nguy cơ bị xóa sổ

Thật đáng tiếc, đó là tình hình chung của các ngành khoa học cơ bản. Riêng trong Toán học chúng ta đang ‘đuổi kịp’ trình độ các nước như Malaysia và Thái Lan và ‘bỏ xa’ các nước như Hàn Quốc và Singapore. Hội Toán học thế giới chia các nước hội viên ra làm 5 nhóm theo trình độ phát triển của từng nước. Hàn Quốc và Việt Nam được xếp vào nhóm 1 là nhóm kém nhất cách đây hơn 30 năm. Nhưng hiện nay Việt Nam vẫn thuộc nhóm 1 trong lúc Hàn Quốc thuộc nhóm 4, chỉ thua các cường quốc về Toán học thuộc nhóm 5...
GS Ngo Viet Trung - nen toan hoc viet nam co nguy co bi xoa so
Dưới đây là bài phỏng vấn GS. TSKH Ngô Việt Trung (GS NVT), Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam về tình hình nền Toán học Việt Nam trong thời gian gần đây

PV: Nền Toán học Việt Nam trong hai thập niên trở lại đây được cho là đang gặp nhiều khó khăn, xuống cấp rõ rệt và có nguy cơ thoái hóa nghiêm trọng. Ông nghĩ gì về nhận xét này?

GS NVT: Thật đáng tiếc, đó là tình hình chung của các ngành khoa học cơ bản. Riêng trong Toán học chúng ta đang ‘đuổi kịp’ trình độ các nước như Malaysia và Thái Lan và ‘bỏ xa’ các nước như Hàn Quốc và Singapore. Hội Toán học thế giới chia các nước hội viên ra làm 5 nhóm theo trình độ phát triển của từng nước. Hàn Quốc và Việt Nam được xếp vào nhóm 1 là nhóm kém nhất cách đây hơn 30 năm. Nhưng hiện nay Việt Nam vẫn thuộc nhóm 1 trong lúc Hàn Quốc thuộc nhóm 4 chỉ thua các cường quốc về Toán học thuộc nhóm 5.

PV: Được biết, lương của giáo sư hiện nay là 4,3 triệu đồng/tháng. Đó là bậc cao nhất theo bảng lương, trong khi lương của một giáo sư Toán người Mỹ khoảng hơn 100 nghìn USD/năm, còn các nước đang phát triển như Trung Quốc, Braxin cũng không dưới 2000 USD/tháng. Phải chăng,, lương bổng đang là vấn đề “đau đầu” nhất tác động đến vị thế giảm sút của ngành Toán?

GS NVT: Lương bổng thật ra không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học thực thụ nhưng lại gián tiếp phá hoại đội ngũ cán bộ khoa học theo nghĩa là không còn mấy người chuyên tâm làm khoa học vì phải lo làm việc khác để kiếm sống. Điều tồi tệ nhất là thế hệ trẻ không còn mấy ai chọn con đường làm khoa học và nếu có ai đó thành đạt thì đều làm việc ở nước ngoài. Vừa qua một cựu học sinh của tôi sắp bảo vệ Tiến sĩ bên Mỹ có hỏi tôi rằng là nếu em muốn về công tác tại Viện thì thu nhập thực tế sẽ là bao nhiêu. Sau khi biết thu nhập đó khoảng 2 triệu đồng/tháng thì em ấy nói với tôi là chắc em sẽ phải ở lại Mỹ lâu hơn. Còn một cán bộ trẻ mới về Viện cho biết các bạn cùng lớp cho rằng đầu của em ấy có vấn đề thì mới chọn con đường nghiên cứu Toán học. 

PV: Cách đây một vài năm có một cuộc tranh luận rất sôi nổi và gay gắt về vai trò của nghiên cứu Toán học. Đã có những ý kiến cho rằng Toán học là ngành “ăn hại, vô bổ”. Cảm xúc của ông khi nghe những nhận xét này?

GS NVT: Nhận xét này chứng tỏ họ là những người không hiểu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày hiện nay đều có phần đóng góp quan trọng của Toán học. So với lúc mới ra đời, tốc độ tính toán của máy tính hiện nay đã tăng lên hàng triệu lần nhưng có mấy ai biết được là hơn 50% tỷ lệ tăng trưởng có được là do những thuật toán đã được hoàn thiện hơn chứ không phải đơn thuần chỉ do sự phát triển phần cứng đem lại. Điện thoại di động không thể thiếu được trong cuộc sống nhưng mấy ai biết rằng mọi cuộc thoại đều được nén lại và mã hóa bằng những công cụ toán học trong quá trình truyền đến người nghe.
Tổng thống Bush đã phát biểu về vai trò của Toán học trong Tuyên bố liên bang đầu năm 2006 như sau: ‘Chúng ta phải nắm được Toán học nếu chúng ta muốn cạnh tranh trong thế giới của thế kỷ 21’.
Có những người lập luận rằng ở một nền kinh tế kém phát triển như ta thì cần gì phải tiến hành nghiên cứu cơ bản cho phí tiền và ta chỉ cần thuê chuyên gia nước ngoài vào giúp đỡ khi cần thiết. Nếu làm như vậy thì Việt Nam mãi mãi sẽ chỉ là một nước làm công rẻ mạt cho các nước giàu. Chúng ta có thể xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, cá hay cà phê nhưng những cái đó làm thế nào so sánh giá trị với số tiền khổng lồ chúng ta phải trả cho việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị kỹ thuật. Còn nếu chúng ta muốn xuất khẩu máy móc thì chúng ta không thể không cần đến Toán học để điều khiển chúng. Hãy nhìn các nước và vùng lãnh thổ mới nổi lên như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore xem họ có chọn con đường đợi kinh tế phát triển mới tiến hành nghiên cứu cơ bản không.

Ngoài lĩnh vực kinh tế ra Toán học cũng rất cần thiết trong an ninh và quốc phòng, đặc biệt là trong việc bảo mật thông tin. Liệu chúng ta có thể tin tưởng dùng các thiết bị và kỹ thuật thông tin mua ở bên ngoài không? Chúng ta có thể chống lại chiến tranh điện tử mà Mỹ đã từng sử dụng khi đánh Nam Tư và Irắc không. Bình luận về bài phát biểu của Tổng thống Bush năm 2006, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm hợp tác và an ninh quốc tế của Đại học Stanford đã phát biểu: phát triển Toán học còn là vấn đề an ninh quốc gia.


PV: Trong những nhận xét đó cũng có những ý kiến nhận được sự đồng tình của khá nhiều người trong cuộc. Đặc biệt là ý kiến, học Toán, làm Toán nói chung chỉ là một chuỗi công đoạn “tự sướng”, tự đặt vấn đề, tự giải quyết vấn đề rồi lại tự hoan hô với nhau. Những công trình nghiên cứu Toán học không hề đem lại một thứ giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại?

GS NVT: Ý kiến đầu tương đối chính xác. “Tự sướng” đúng không chỉ với người làm Toán mà với tất cả những người làm khoa học. Vì làm khoa học là phải sáng tạo. Khi phát hiện ra được một cái mới chưa ai biết đến thì anh tự sướng là đúng. Nếu cái tự sướng đó càng khiến anh đam mê, càng thôi thúc anh khám phá một chân trời mới thì càng phải khuyến khích cái “tự sướng" đó.
Ý kiến thứ hai chỉ đúng với các công trình riêng lẻ chứ không thể nói về nghiên cứu Toán học nói chung. Năm 1937, nhà toán học Anh Turing chỉ ra rằng không có thuật toán nào kiểm tra được các mệnh đề số học đúng hay sai. Để chứng minh điều này ông đã xây dựng một loại ngôn ngữ toán học mà bây giờ được gọi là máy Turing. Có thể coi máy Turing là bản thiết kế đầu tiên cho máy tính hiện đại. Chính Turing là một trong những người chủ chốt trong việc phá mã của hải quân Đức và làm ra một loại máy tính phục vụ cho việc này. Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Churchill đã coi Turing là cá nhân có đóng góp lớn nhất trong việc đánh bại Hitler. Tạp chí Time xếp Turing là người vĩ đại nhất của thế kỷ 20 trong công nghệ tin học. Một ví dụ sát sườn hơn là việc sử dụng đường cong elliptic vốn là một đối tượng nghiên cứu của Toán học hiện đại vào mã hóa thông tin. Ý tưởng này được đề xuất năm 1987 trong một công trình của nhà toán học Mỹ Koblitz (người đã đến làm việc tại Viện Toán học Việt Nam nhiều lần trong hơn 20 năm qua). Ngày nay tất cả các thẻ từ rút tiền mà chúng ta đang sử dụng đều áp dụng kỹ thuật này. 

PV: Trong những nhận xét đó, Toán lý thuyết bị lên án, đả kích nhiều nhất. Là một trong những nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu về Toán lý thuyết hiện nay, ông có cảm thấy bị “xúc phạm” khi nghe những nhận xét này từ chính những nhà toán học? 

GS NVT: Chính các nghiên cứu Toán học lý thuyết tạo ra tư tưởng mới, phương pháp mới. Không có những cái này thì Toán học không thể có những ứng dụng đột phá như tôi đã nói ở trên. Ngày nay, Toán học là một thực thể gồm nhiều chuyên ngành và định hướng khác nhau nhưng lại gắn chặt và bổ trợ cho nhau. Nếu Toán học chỉ làm ứng dụng thì mãi mãi nền Toán học đó chỉ đứng yên một chỗ.
Nói rộng hơn thì chỉ có nghiên cứu cơ bản mới đem lại tri thức cho loài người và chỉ có tri thức mới làm cho xã hội phát triển. Nói như thế thì chúng ta mới có thể hiểu được tại sao các nước phương Tây bỏ ra hàng tỷ đôla để nghiên cứu Vật lý hạt cơ bản hay nghiên cứu sao Hỏa, v.v...
Những nhà toán học đả kích Toán học lý thuyết chính là những người trăn trở với việc ứng dụng Toán học ở nước ta. Một trong những người lên án Toán học ‘mạnh mẽ nhất’ lại chính là người tài trợ cho những người làm Toán 500 triệu mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.

PV: Xin hỏi thật giáo sư, những công trình nghiên cứu của Viện Toán học Việt Nam trong khoảng hai thập niên vừa qua có đem lại nhiều ứng dụng không? 


GS NVT: Rất tiếc là chúng tôi chưa có nhiều ứng dụng vào thực tế. Thực ra, có rất nhiều lĩnh vực mà Toán học Việt Nam đủ sức giải quyết như việc điều phối mạng mobile hay tính toán bảo hiểm xã hội. Nhưng điều kiện, hay nói cách khác là “môi trường” sử dụng Toán học không có. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ thích sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài theo phương châm “càng đắt càng tốt”. Khoa học hiện nay không có động lực phát triển chính vì cơ chế quản lý không quan tâm đến hiệu quả của các cơ quan hay công ty nhà nước. 

PV: Phải chăng, vấn đề nằm ở tâm lý “sùng ngoại” hay ở một động cơ nào khác?

GS NVT: Khi phải tự bỏ vốn ra kinh doanh, người ta sẽ tính đến việc làm thế nào cho có hiệu quả nhất. Còn ở doanh nghiệp nhà nước thì người ta sẽ không quan tâm đến túi tiền của chung mà quan tâm đến túi riêng.

PV: Giáo sư có quá “khắt khe” trong việc đánh giá điều kiện khách quan mà “dễ dãi” trong việc nhìn nhận điều kiện chủ quan của chính nền khoa học Việt Nam? Theo báo cáo tổng quan của Ban Nghiên cứu Harvard trình lên Thủ tướng thì năm 2002, Việt Nam chỉ đăng ký có 2 bản quyền với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Năm 2006, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đăng được 41 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Cũng trong năm đó, chỉ riêng các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã đăng được 2.286 bài trên các tạp chí quốc tế… Con số này ít nhất cũng nói lên một điều gì đó về trình độ nghiên cứu thật của các nhà khoa học Việt Nam?

GS NVT: Tất nhiên là trình độ nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam còn yếu. Toán học tuy được coi là ngành khoa học cơ bản phát triển nhất ở Việt Nam nhưng cũng chỉ được xếp hạng ở nhóm kém nhất. Nhưng chủ yếu vẫn là do cơ chế chưa khuyến khích các nhà khoa học làm nghiên cứu hay triển khai ứng dụng thực sự. Hàng chục năm nay việc đánh giá khoa học ở mọi cấp từ đào tạo Tiến sĩ, đến phong chức danh, đề bạt cán bộ khoa học hay xét duyệt đề tài nghiên cứu đều không dựa vào những chuẩn mực khoa học khách quan như công bố quốc tế hay nghiên cứu công nghệ có ứng dụng thực sự. Hệ thống này đâu có khuyến khích nghiên cứu ‘thật’ và do đó làm gì có kết quả ‘thật’. 

PV: Trong điều kiện hiện nay, làm khoa học chân chính mà vẫn nghĩ đến chuyện làm giàu, thì liệu có là một chuyện đáng buồn?

GS NVT: Trước tiên phải nói thật là làm khoa học không bao giờ giàu được, nhất là trong nghiên cứu cơ bản. Trong các ngành khoa học ứng dụng có thể khác vì có liên quan đến yếu tố kinh doanh. Nếu làm giàu được bằng các kết quả khoa học thực sự thì là chuyện vui chứ đâu phải chuyện buồn. Nhưng nếu lấy chuyện kiếm đề tài nhà nước để làm giàu thì lại là chuyện khác. 

PV: Có ý kiến cho rằng sở dĩ ngành Toán có được một quá khứ huy hoàng là do những người giỏi nhất thời kỳ chiến tranh và bao cấp bị “dồn” vào học Toán?

GS NVT: Đúng, thực ra đã có một thời kỳ chúng ta “sai lầm” khi quá ưu ái các môn khoa học cơ bản, chứ không phải ưu ái môn Toán nói riêng. Nếu không có sự ưu ái đó, Toán học Việt Nam không thể có được những thành tựu như ngày nay được quốc tế công nhận. Thành tựu lớn nhất của chính sách này có lẽ là việc bảo đảm được chất lượng giảng dạy Toán học ở mọi cấp từ phổ thông cho đến đại học khá tốt so với mặt bằng thế giới. Công nghệ thông tin ở Việt Nam phát triển nhanh cũng chính một phần dựa vào nguồn nhân lực được đào tạo Toán học tương đối tốt. Phải thấy rằng việc Nhà nước gửi người đi học những năm chiến tranh rất đồng bộ, bao gồm tất cả các ngành khoa học kỹ thuật. Sai lầm duy nhất có lẽ là thiếu các ngành Luật và Kinh tế. Nhưng thử hỏi gửi người đi học Luật và Kinh tế ở các nước XHCN thời bấy giờ có thật sự hiệu quả không.

PV: GS có bi quan cho tương lai ngành Toán học của VN?

GS NVT: Hiện nay chúng tôi đang đau đầu về chuyện này. Lượng bài công bố trong ngành Toán có chiều hướng đi xuống trong lúc các ngành khác lại tăng lên. Nhiều người trẻ không chọn Toán làm nghề nữa. Phần lớn những người có trình độ tuổi đã trên 50. Những người làm Toán có trình độ làm việc ở trong nước lứa tuổi 30-45 có thể đếm được trên đầu ngón tay. Tìm người trẻ để đào tạo cũng rất khó. Những người ưu tú nhất đều đi du học và ở lại làm việc ở nước ngoài. Điều duy nhất hiện nay chúng tôi có thể làm được là tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ làm việc trong nước đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Nhiều năm qua, Viện Toán làm rất tốt việc này bằng uy tín và các mối quan hệ quốc tế của mình.

PV: Nhưng liệu nó có xảy ra tình huống khi nghiên cứu xong thì họ sẽ ở lại nước sở tại và làm việc?

GS NVT: Điều đó không thể tránh được khi đất nước không tạo ra được tiền đồ cho họ phát triển.

PV: Vậy là chúng ta đã đầu tư “công cốc”?

GS NVT: Tất nhiên là có người đi, người về, được người nào về là hay rồi. Tôi rất phản đối ý kiến của một số người là đi du học và ở lại cũng là một cách xuất khẩu lao động kiếm tiền cho Tổ quốc. Vậy các công việc ở trong nước, ai sẽ là người đảm nhiệm? Ai sẽ phụ trách công tác giảng dạy và nghiên cứu phục vụ các mục tiêu của đất nước? Người ta có thể lấy lý do đợi kinh tế phát triển rồi mới mời các chuyên gia về phục vụ. Lúc ấy thì đã muộn rồi. Khoa học cần có thời gian và một cộng đồng đủ lớn mới có thể phát triển lành mạnh. Tôi rất lo rồi đến lúc nào đấy không còn đội ngũ chuyên gia thực sự để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu nữa. Bất cứ một quốc gia nào cũng phải có nền khoa học lành mạnh mới có thể phát triển kinh tế một cách bền vững. 

PV: Nhưng có những người phản biện rằng chỉ ở nước ngoài họ mới có điều kiện nghiên cứu và sau khoảng 10- 20 năm nghiên cứu đủ trình đọ họ sẽ tự về đóng góp.

GS NVT: Chuyện này rất khó nói. Một khi anh đã đi và quen với cuộc sống bên ngoài thì rất khó quay trở về. Ở Viện này đã có một số người chỉ định đi 3-4 năm để giải quyết vấn đề kinh tế nhưng một khi đã quen với môi trường bên ngoài thì trở về rất khó sống nổi. Có nhiều cái khó có thể quen được. Một nhà khoa học trung thực làm sao có thể chịu đựng được việc làm cái gì cũng phải xin xỏ. Nhiều khi công việc chuyên môn mình làm nhưng lại do người khác không biết gì chuyên môn quyết định. Các bộ phận hành chính ở các cơ quan bây giờ nặng nề vô cùng, trở thành chủ thể trong mọi trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Những chuyện này tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn vì anh không tự quyết định được cuộc sống và công việc của mình.
Thực ra có nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về xây dựng quê hương. Dù điều kiện kinh tế trong nước không bằng nước ngoài nhưng nếu nhà nước tạo điều kiện xã hội để người ta yên tâm sinh sống, tạo môi trường làm việc độc lập, tự chủ thì tôi cam đoan sẽ có rất nhiều người quay trở về làm việc.
Theo Vietimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến