Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Tết Nguyên Tiêu Canh Dần 2010 ở HUẾ

Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ hội truyền thống của người dân Việt Nam. Và Thừa Thiên Huế, với đặc trưng là xứ xở của lễ hội cả nước nên Tết Nguyên tiêu ở đây có nhiều nét rất riêng và ấn tượng.

Tết Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên trong một năm, đất trời bắt đầu vào xuân, mọi người thường tổ chức các hoạt động để chúc mừng. Huế vốn là miền đất thơ ca với sông Hương, núi Ngự là nguồn thi hứng của bao thi sĩ. Ngắm trăng và làm thơ vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu là một truyền thống bấy lâu của những người yêu thơ xứ Huế và cũng thành thú chơi chung của hầu hết người Huế. Rằm tháng Giêng đã trở thành ngày hội thơ Huế hàng niên được Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức chu đáo thu hút sự chú ý và nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo mọi tầng lớp. Năm nay, với chủ đề “Cố đô Huế hướng về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm” hàng loạt các hoạt động sẽ được diễn ra như Chương trình đọc thơ, bình thơ “Mừng Đảng Mừng Xuân, Mừng Nguyên Tiêu và Ngày Thơ Việt Nam do Câu lạc bộ Thơ Hương Giang tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; chương trình giao lưu thơ Nguyên Tiêu của Ban Đại diện Hội Người Cao tuổi thành phố Huế và 05 phường xã thành phố tổ chức; Đêm thơ Trẻ Huế tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức; Đêm thơ Hương Thủy tại Nhà Văn hóa huyện Hương Thủy; Đêm thơ sông Bồ tại Trung tâm Văn hoá huyện Hương Trà; Chương trình Thơ Thiếu nhi tại Nhà Thiếu Nhi Huế do CLB Văn học Sao Khuê tổ chức. Đặc biệt, Đêm thơ Nguyên Tiêu “Cố đô Huế hướng về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm” sẽ diễn ra lúc 19h ngày 28/02 (ngày Rằm tháng Giêng, Canh Dần) tại sân Điện Thái Hòa – Đại nội Huế do Hội LH VHNT tỉnh phối hợp với Sở VHTTDL, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức.

Cùng với hoạt động viếng mộ và thắp nhang cho các thi nhân, thi sĩ, họa sĩ như cụ Phan Bội Châu, nhà thơ Thanh Hải, Hải Triều, Nguyễn Chí Diễu, Nữ Sử Đạm Phương, họa sĩ Bửu Chỉ, nhà thơ Thái Ngọc San, nhà thơ Nguyễn Văn Phương (Phương xích lô), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng,… những đêm thơ và sinh hoạt như thế nhằm tôn vinh các thế hệ nhà thơ đi trước, góp phần gìn giữ, nhen nhóm niềm yêu thi phú và tạo ra sân chơi bổ ích cho thế hệ các nhà văn nhà thơ đương đại và lớp lớp học sinh sinh viên sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến